Có mặt tại Cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện xã Mỹ Phương những ngày cuối năm này mới thấy được không khí sản xuất khẩn trương của những công nhân ở đây. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, cơ sở đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đáp ứng các đơn đặt hàng sản phẩm miến dong phục vụ thị trường tết. Theo kinh nghiệm nhiều năm, dịp giáp Tết lượng khách đặt hàng lớn nên cơ sở đã chủ động các đơn đặt hàng từ sớm và lên kế hoạch sản xuất cụ thể nên đến thời điểm hiện tại, cơ sở cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ cơ sở sản xuất miến dong Nhất Thiện xã Mỹ Phương cho biết: Hiện cơ sở đã đáp ứng được 92 % đơn đặt hàng. Từ nay đến khi cho công nhân nghỉ tết cơ sở sẽ sản xuất khoảng 30 tấn miến để đáp ứng những đơn đặt hàng còn lại.
Ảnh: Cơ sở sản xuất miến Nhất Thiện đang tập trung nhân lực để sản xuất miến phục vụ kịp thị trường Tết nguyên đán Ất Mùi 2015
Còn tại cơ sở sản xuất miến dong Phượng Minh xã Yến Dương, mặc dù quy mô sản xuất còn khiêm tốn nhưng những ngày này, công nhân cũng đang tất bất với lượng hàng khách đặt trong dịp tết này. Hiện nay mỗi ngày trung bình cơ sở sản xuất được khoảng 50 kg miến để phục vụ thị trường Tết.
Miến dong Bắc Kạn đã khẳng định được thương hiệu, được nhiều người biết đến và đặc biệt còn lọt vào tốp “100 sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng năm 2013”; được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm đặc sản này ngày càng vươn xa, không chỉ thị trường trong nước mà vươn ra cả thị trường nước ngoài. Đây không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu miến dong trên địa bàn tỉnh mà nó còn là động lực giúp cho các cơ sở sản xuất miến tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay ngoài 2 cơ sở sản xuất miến lớn của huyện là cơ sở Nhất Thiện xã Mỹ Phương và Công ty TNHH Hợp Nhất xã Hà Hiệu, trên địa bàn huyện còn có khoảng 4 cơ sở sản xuất miến dong quy mô khác nhau cũng đang tập trung cho thị trường dịp cuối năm này. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong của các đơn vị đã giúp quảng bá sản phẩm này trên thị trường trong và ngoài nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thắt chặt thêm mối liên kết giữa việc trồng, chế biến cây dong riềng của người nông dân với hoạt động chế biến, tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.