Trong đó bậc Tiểu học có 18 trường và bậc THCS có 3 trường áp dụng mô hình VNEN. Ở bậc Tiểu học, riêng trường Tiểu học Yến Dương là trường thực hiện thí điểm của huyện từ năm học 2012 – 2013 đến nay đã áp dụng mô hình trên từ lớp 2 đến lớp 5, các trường Tiểu học còn lại chủ yếu mới áp dụng ở lớp 2 và lớp 3. Qua 4 năm triển khai ở cấp tiểu học và 1 năm thực hiện thí điểm ở cấp THCS, mô hình VNEN đã cho thấy tín hiệu khả quan về chất lượng giáo dục ở địa phương. Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT huyện, so với các lớp bình thường, lớp học theo mô hình VNEN có chuyển biến tích cực từ giáo viên đến học sinh. Với vai trò là người tổ chức lớp học, giáo viên phát huy vai trò của các thành viên trong hội đồng tự quản, nhóm trưởng trong hoạt động dạy – học; linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập theo từng đối tượng học sinh; ghi chép nhật ký ở mỗi bài dạy để điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Đồng thời theo dõi, nhận xét kết quả học tập của học sinh qua từng bài, từng thời điểm. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo đồ dùng dạy học như: phiếu bài tập, hình ảnh, đồ dùng trực quan…; dự kiến tình huống trả lời, đáp án câu hỏi…; giáo viên còn sử dụng các công cụ hỗ trợ học tập được trang trí ở trên lớp như: bảng thi đua, hộp thư cá nhân, bản đồ cộng đồng… nhằm gây hứng thú học tập cho học sinh và tạo không khí thoải mái cho lớp học. Đối với học sinh, kết quả học tập trên 3 lĩnh vực: kiến thức, năng lực, phẩm chất đều cao hơn so với học sinh các lớp học bình thường.