Ba Bể triển khai có hiệu quả mô hình can thiệp giảm tảo hôn và kết hôn cận huyết thống

Được triển khai thực hiện từ cuối năm 2011 tại 3 xã trọng điểm: Bành Trạch, Phúc Lộc, Hà Hiệu và Trường PTDT Nội Trú huyện là các địa phương có nhiều người dân tộc Mông, Dao sinh sống, thường xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đến nay, mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết” đã bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, nhất là trong việc thay đổi nhận thức, hành vi của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đối với vấn đề hôn nhân, gia đình./.

 

Ảnh: Tuyên truyền dân số để giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống


Tại các xã thực hiện, Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn và địa phương tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền cho đại diện Đảng ủy, UBND, các ban ngành, đoàn thể, trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn về tổng quan mô hình, hậu quả tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, Luật Hôn nhân và Gia đình, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân với mô hình; hướng dẫn các xã và trường Phổ thông DTNT thành lập tổ nhân viên thường trực, cộng tác viên tình nguyện, câu lạc bộ không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và ban hành quy chế hoạt động của tổ nhân viên, cộng tác viên tình nguyện; lựa chọn cộng tác viên tình nguyện thực hiện công tác dân số tại các thôn, bản; in tờ gấp với nội dung về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống để cung cấp cho đối tượng; lồng ghép hoạt động của mô hình trong các buổi họp thôn, tổ, chi bộ nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về tuổi kết hôn, những tác hại của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nguy cơ ở tuổi vị thành niên khi kết hôn sớm… tạo mạng lưới tuyên truyền và đưa thông tin của mô hình đến cộng đồng

Kết quả,  năm 2012, tại 3 xã triển khai mô hình có 57 cặp kết hôn, trong đó 8 cặp tảo hôn và không có cặp nào kết hôn cận huyết thống thì sau hơn 3 năm thực hiện mô hình, số cặp tảo hôn giảm xuống hơn một nửa, 3 xã chỉ còn 3 cặp tảo hôn và vẫn duy trì, không phát sinh cặp kết hôn cận huyết thống nào. Đặc biệt, từ khi thực hiện mô hình, với những hoạt động đồng bộ, cụ thể, nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thanh niên đã thay đổi đáng kể. Nhiều gia đình trước đây có tư tưởng, tập tục lạc hậu như kết hôn cận huyết để gắn kết tình cảm trong dòng họ, gia đình thì nay đã hiểu biết hơn về vấn đề này, nhất là những hậu quả mà nó để lại cho thế hệ sau. Qua đó, họ tự thay đổi hành vi, hạn chế tình trạng cưới vợ gả chồng giữa những người cận huyết thống. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với công tác dân số tại địa phương.

 

 

 

Bài trướcChi bộ dân vận huyện uỷ: Trao tặng ghế nhựa giúp đỡ cho nhà họp thôn thôn Tổm Làm xã Bành Trạch
Bài tiếp theoBa Bể thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo dục