Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi từ mô hình VCR

Những năm gần đây, phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn trên địa bàn. Chị Dương Thị Đềm – Thôn Nà Đúc 1 xã Địa Linh là một trong những hội viên phụ nữ năng động, chịu khó và thoát nghèo nhờ xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế gia đình tổng hợp hiệu quả cao.

 

Chị Dương Thị Đềm đang chăm sóc mô hình trồng rau xanh của gia đình

 

       Qua câu chuyện với chị Đềm, chúng tôi được biết, năm 1994 hai vợ chồng chị mạnh dạn xây dựng mô hình trồng rau xanh trên diện tích 1000m2 ruộng của gia đình. Nhờ sự cần cù chịu khó, ham học hỏi vì vậy 2 vụ rau màu của gia đình chị phát triển tốt, cho năng xuất cao. Trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi về lý do thực hiện mô hình trồng rau chị Đềm nói: Tôi thấy thực tế  trồng rau cho thu nhập gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa, vì vậy gia đình tôi thực hiện trồng rau được mười mấy năm, Mỗi năm thực hiện 3 vụ, vụ đầu khoai tây, đến bí xanh, mướp đắng và 1 vụ rau. Mới đầu chưa được tập huấn gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên sau khi được tập huấn, cảm thấy dễ hơn.

       Từ số tiền tiết kiệm được chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Trong chuồng lợn nhà chị lúc nào cũng có trên 10 con lợn thịt, 1 con lợn nái sinh sản. Để nâng cao hiệu quả sản xuất chị luôn chủ động học hỏi kinh nghiệm, phương thức chăn nuôi, phòng trừ bệnh, thường xuyên tiêm phòng vắc-xin, giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Với việc tích cực tham gia các lớp tập huấn, tiếp thu những kỹ thuật chăn nuôi áp dụng vào thực tế nên đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, không bị mắc bệnh. Chỉ tính riêng năm 2013, gia đình chị xuất bán trên 2 tấn lợn hơi, thu về trên 50 triệu đồng. Ngoài phát triển chăn nuôi lợn và trồng rau, chị còn nấu thêm rượu để lấy bã nuôi lợn và tích cực tham gia vào phong trào trồng rừng tại địa phương. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên diện tích rừng trồng của gia đình chị sinh trưởng, phát triển rất nhanh, đến nay đã cho thu hoạch.

       Nói về mô hình kinh tế của gia đình chị Dương Thị Đềm – Thôn Nà Đúc I, Chị Hoàng thị Khoe – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Địa Linh nhận xét: trong những năm qua đối với Hội phụ nữ xã Địa Linh là một tổ chức hội thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thi đua phát triển sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Kết quả trong những năm qua đã có rất nhiều mô hình đạt kết quả cao, điển hình như mô hình chị Dương Thị Đềm là một hộ gia đình phát triển kinh tế có hiệu quả, hàng năm có thu nhập tương đối cao, mức thu nhập  bình quân từ 60 đến 70 triệu đồng.

       Có thể nói, với một địa phương kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn như Địa Linh, những mô hình kinh tế giỏi, cho thu nhập cao như chị Dương Thị Đềm có ý nghĩa rất lớn, trở thành tấm gương cho các chị em phụ nữ nói riêng và các hộ dân nói chung học tập, làm theo./.

Bài trướcBa Bể: Tập huấn phương pháp rà soát, cập nhật thông tin thị trường lao động (phần cung lao động) năm 2014.
Bài tiếp theoHoàn thành lớp huấn luyện tự vệ khối cơ quan HĐND – UBND và trung tâm y tế năm 2014