Ảnh: Toàn cảnh hội nghị
Bằng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp của huyện và kinh phí sự nghiệp do Trung tâm khuyến nông – khuyến lâm tỉnh Bắc Kạn phối hợp thực hiện, từ năm 2012 đến nay trên địa bàn huyện Ba Bể đã triển khai thực hiện 29 mô hình sản xuất mới về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi – thú y và thủy sản. Việc thực hiện các mô hình sản xuất điểm trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu mùa vụ trong sản xuất. Người nông dân trực tiếp tham gia mô hình có kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi góp phần vào việc tăng năng suát, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trong sản xuất. Qua đánh giá một số mô hình đạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao như: Mô hình thâm canh giống lúa thuần Khang dân 18 và giống lúa thuần RVT, đến nay giống lúa thuần đã cơ bản được bà con sử dụng thay thế các giống lúa lai; việc tiêm phòng ký sinh trùng máu, tẩy sán lá gan, tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho trâu, bò đã giảm hẳn hiện tượng trâu, bò bị chết trong mùa đông do gầy yếu vì bị ký sinh trùng gây hại; các mô hình trồng cây ăn quả, mô hình cải tạo đồi chè đã phát huy hiệu quả thiết thực. Việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 26,55 % năm 2012 xuống còn 18,04% như hiện nay.
Ảnh: Mô hình trồng khoai tây vụ đông tại xã Yến Dương đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân
Để tiếp tục xây dựng và thực hiện thành công các mô hình mới trong sản xuất nông lâm nghiệp cũng như duy trì phát triển và nhân rộng các mô hình đã thực hiện đạt hiệu quả, đồng chí Bí thư huyện ủy yêu cầu UBND huyện, các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nguồn vốn đầu tư thực hiện mô hình. Trong đó trú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mô hình khuyến nông có hiệu quả để nhân dân tin tưởng hưởng ứng thực hiện; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nông lâm và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; đồng thời lựa chọn các mô hình mang tính cấp thiết, phù hợp với địa phương, có tiềm năng thị trường, có khả năng nhân rộng để ưu tiên thực hiện. Bên cạnh đó cần phối hợp đảm bảo về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân; liên kết thực hiện các chương trình; dự án sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, ưu tiên đầu tư cho thực hiện các mô hình để tăng cường sự tham gia đóng góp của người dân, giảm dần hình thức hỗ trợ trực tiếp, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước./.