Ảnh: Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận chuyên đề về thực trạng công tác tuyển sinh và đào tạo các nghề nông nghiệp tại Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn, định hướng thời gian tới của Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn; tham luận chuyên đề nhu cầu học nghề và định hướng đầu ra sau học nghề cho thanh niên nông thôn tỉnh Bắc Kạn của tổ chức Childfund Bắc Kạn; định hướng nghề đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với tiềm năng, lợi thế thị trường du lịch tỉnh Bắc Kạn của Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên và Trường Cao Đẳng thương mại & du tịch Thái Nguyên; thực trạng công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 tại tỉnh Bắc Kạn của Sở LĐTB&XH Bắc Kạn; Đánh giá sơ bộ khả năng thích nghi của bò lai Sind được nuôi tại địa phương Bắc Kạn; Nghiên cứu một số nhân tố tác động đến quá trình phát triển HTX tại tỉnh Bắc Kạn của Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên.
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động được các cấp Đảng và Chính quyền của tỉnh rất quan tâm, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện quyết định 1956 của Thủ Tướng Chính Phủ về Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Tính từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 21.000 lao động nông thôn, trong đó có 14.700 người tham gia học nghề nông nghiệp, 6.300 người tham gia học nghề phi nông nghiệp. Các lao động sau đào tạo chủ yếu là tự tạo việc làm tại gia đình, phát triển kinh tế hộ, chưa tham gia các loại hình kinh tế khác như thành lập HTX, lập doanh nghiệp hay phát triển kinh tế trang trại. Cũng theo thống kế các cơ sở tham gia đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người học.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến cho rằng, việc xác định nghề đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp phải gắn với các loại cây trồng, con gia súc và các nghề truyền thống của Bắc Kạn để phục vụ nhu cầu khách du lịch; phát triển dạy các nghề hỗ trợ cho hoạt động du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, homestay…;Việc dạy nghề phải gắn với việc phát triển sản xuất hàng hóa bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch… Có như vậy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Bắc Kạn trong thời gian tới mới đáp ứng được nhu cầu của lao động, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo bền vững cho địa phương./.