Chiều ngày 17/09, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn Bắc Kạn năm 2024. Các đồng chí: Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Hội, Giám đốc Sở Nội vụ đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trung tâm huyện Ba Bể có các đồng chí Dương Ngọc Thuyết, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ; Nông Ngọc Duyên, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện; các tổ chức hội, đoàn thể; Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn.
Quang cảnh Hội nghị
Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 947 thôn, tổ dân phố đạt dưới 50% tiêu chuẩn (thôn có dưới 75 hộ; tổ, tiểu khu có dưới 100 hộ) thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập theo quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 04/2012/TT-BNV.
Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 620/KH-UBND ngày 16/9/2024, về triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Kế hoạch đề rõ các mốc thời gian thực hiện: Rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố hoàn thành trước ngày 27/9/2024; xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố cấp xã hoàn thành trước ngày 25/10/2024; xây dựng đề án cấp huyện hoàn thành trước ngày 01/11/2024; đề án cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 15/11/2024. Tiến hành kiện toàn các tổ chức và thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.
Hội nghị nghe Sở Nội vụ hướng dẫn quy trình và hồ sơ sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024; kiện toàn các tổ chức và bố trí người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên hướng dẫn thực hiện kế hoạch sáp nhập thôn, tổ dân phố trong năm 2024.
Đa số ý kiến của các địa phương trao đổi tại Hội nghị đều đồng thuận và thể hiện quyết tâm sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Một số ý kiến cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc và đề nghị cần sự hỗ trợ của tỉnh. Trọng tâm là khó khăn về khoảng cách địa lý giữa các thôn sáp nhập với nhau khá xa, sau sáp nhập địa bàn rộng; sự khác biệt về dân tộc, phong tục tập quán giữa các dân tộc sau sáp nhập; nguồn lực đầu tư hạ tầng cho thôn/tổ sau sáp nhập, nhất là nhà văn hóa, đường giao thông kết nối; kinh phí hỗ trợ người dân thay đổi giấy tờ hành chính; sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn/tổ dôi dư sau sáp nhập… Những vấn đề nêu trên được lãnh đạo Sở Nội vụ trao đổi, giải đáp cụ thể ngay tại Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng nhấn mạnh: Sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; xuất phát từ yêu cầu của hệ thống hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của tỉnh. Thời gian thực hiện gấp rút, hơn nữa việc sáp nhập thôn, tổ dân phố còn ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cấp xã (đầu năm 2025). Để công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh năm 2024 được triển khai thực hiện thống nhất, nghiêm túc, hiệu quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố.
Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp cấp xã tổ chức triển khai thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo kế hoạch của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nội vụ; lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Các huyện, thành phố đã có phương án sáp nhập thôn, tổ, tiếp tục chỉ đạo UBND cấp xã rà soát các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn; các huyện chưa có phương án, chỉ đạo UBND cấp xã khẩn trương rà soát, lập phương án và xây dựng Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố.
Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong triển khai thực hiện quy trình sáp nhập thôn/tổ theo kế hoạch của UBND tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tham mưu thực hiện các trình tự, thủ tục xây dựng Đề án theo quy định; hoàn thiện Đề án, Tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết trong năm 2024.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách chi trả cho các đối tượng sau sáp nhập (nếu có); phương án xử lý tài sản và các nội dung liên quan sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết…/.
T/h: Thu Trang