Xác định muốn xây dựng nông thôn mới phải học cách chăn nuôi trồng trọt để có lợn gà đầy chuồng, thóc lúa đầy bồ, ngô khoai đầy gác. Thời gian qua các hộ dân trong thôn đã nỗ lực trong phát triển kinh tế đưa các loại cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ được các cán bộ khuyến nông của xã của huyện tập huấn hướng dẫn kỹ thuật bà con đã biết cách nuôi con lợn con gà sao cho chóng lớn, trồng cây lúa cho nhiều hạt, cây ngô cho nhiều bắp. Hiện tại với diện tích trên 15 ha lúa nước sản lượng hàng năm đạt 3,5 tấn/ha. Khâu Qua không còn phải trông chờ vào gạo cứu đói của nhà nước, người dân trong thôn không còn canh cánh nỗi lo khi đến mùa giáp hạt. Trước đây cả thôn chỉ có vài chục con gia súc gia cầm, thì nay tổng đàn gia súc gia cầm đã lên tới hàng trăm con. Bà con đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều hộ dân trong thôn đã có của ăn của để có điều kiện chăm lo cho con cái học hành và tham gia đóng góp xây dựng các công trình dân sinh của thôn bản. Gia đình ông Thào Chư Dình di cư từ một vùng quê nghèo của huyện Thông Nông tỉnh Cao Bằng đến đây sinh cơ lạc nghiệp từ hơn hai chục năm trước. Nhờ các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc Mông của Chính phủ và với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền địa phương, cuộc sống của các hộ đồng bào dân tộc Mông trong thôn và gia đình ông đã có những đổi thay đáng mừng. Với sự năng động học hỏi, cần cù chịu khó dám nghĩ dám làm của bản thân nên đến nay trong nhà ông Dình, lúa, ngô bao giờ cũng đầy gác, trâu bò đầy chuồng, cuộc sống ngày một khấm khá. Năm 2009, ông là người dân tộc Mông đầu tiên ở huyện vùng cao Ba Bể “dám” xin thoát nghèo. Hiện nay gia đình ông là một trong những hộ khá giả nhất trong thôn. Gia đình ông Dình cũng luôn đi đầu trong việc đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ảnh: Ông Thào Chư Dình chăm sóc đàn trâu của gia đình
Ảnh: Bà con đồng bào Mông Khâu Qua xã Nam Mẫu chăm sóc lúa nước để đảm bảo nguồn lương thực hàng năm
Được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2016, nhà văn hóa Khâu Qua là nơi sinh hoạt cộng đồng, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con. Được biết, để có mặt bằng xây dựng nhà văn hóa và sân thể thao, một hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 3000 m2 đất vườn của gia đình . Với sự hỗ trợ vật liệu của nhà nước, gần 20 hộ dân trong bản đã tự nguyện hiến đất, đóng góp gần 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công để mở rộng, bê tông hóa hơn 1.200 m đường giao thông lên thôn và xây dựng nhà văn hóa. Đây là công trình thể hiện sự đồng thuận và trách nhiệm cao của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Công trình nước sạch được xây dựng, dòng điện lưới quốc gia cũng sắp được kéo về thắp sáng bản làng. Cuộc sống mà bao thế hệ người Mông di cư mong ước đã hiện hữu níu cái chân người Mông ở lại gắn bó lâu dài với mảnh đất vùng cao này. Từ một bản kinh tế khó khăn, đến nay Khâu Qua đã có nhiều hộ thoát nghèo theo tiêu chí mới, những ngôi nhà tranh tre nứa lá dần được thay thế bởi những căn nhà gỗ khang trang vững chắc. Những con đường gập ngềnh lầy lội đã từng bước được bê tông hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trao đổi mua bán và vận chuyển hàng hóa. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trưởng thôn Lý A Thán cho biết, hiện Khâu Qua đã hoàn thành được 8 tiêu chí nông thôn mới theo tiêu chí đối với các thôn bản.
Khâu Qua hôm nay đang đổi mới từng ngày, các hủ tục lạc hậu đang dần xóa bỏ, các lễ hội rỉnh rang tốn kém cũng được bà con giảm dần thay vào đó là các hoạt động văn hóa lành mạnh mang tính cộng đồng vui tươi đậm đà bản sắc người Mông. Đến nay, 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường, phụ nữ có thai và trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng theo đúng định kỳ, người ốm được đưa đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh kịp thời thay cho việc tìm thầy mo, thầy cúng như trước kia. Nhờ có sự đoàn kết, đồng lòng làm theo Bác nên đời sống vật chất cũng như mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của mỗi gia đình ngày càng được nâng cao.
Ảnh: Các em học sinh trong thôn được học tập tại điểm trường Khâu Qua.
Những tháng ngày sống lay lắt đói khổ nay đây mai đó giờ chỉ còn trong tiềm thức của người già. Từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với xây dựng nông thôn mới, người Mông Khâu Qua hiểu rằng làm theo lời Bác Hồ dạy phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sống vì cộng đồng, nỗ lực vượt lên khó khăn để xóa đói nghèo lạc hậu. Một cuộc sống no ấm, yên vui đang về với bản Mông Khâu Qua. Nơi vùng núi xa xôi này, nhịp sống nông thôn mới đang dần hiện hữu.