Về phía tỉnh Bắc Kạn, dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Ngọc Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã; lãnh đạo Phòng Công thương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các huyện, thị xã; các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng, kinh doanh miến dong trong và ngoài tỉnh.
Đ/c Hoàng Ngọc Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Hoàng Ngọc Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc sản phẩm quýt Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và sản phẩm miến dong Bắc Kạn được cấp nhãn hiệu tập thể vừa là niềm tự hào đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm của các ngành chức năng, của chính quyền địa phương và người dân Bắc Kạn. Buổi lễ đón nhận chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn, nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn là cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm quýt, miến dong ra thị trường ngoài tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp Bắc Kạn tiếp tục phát triển cây quýt, dong riềng tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Bắc Kạn là có nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Cùng với việc bảo đảm an ninh lương thực, phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm phát triển các cây trồng đặc sản, cây trồng có giá trị kinh tế cao thông qua việc quy hoạch đất đai, ban hành các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, đồng thời chỉ đạo đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chính vì vậy, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Vùng cam, quýt tại các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn; vùng trồng hồng không hạt tại các huyện Ngân Sơn, Chợ Đồn, Ba Bể; vùng sản xuất gạo bao thai tại huyện Chợ Đồn… góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc chú trọng hỗ trợ mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Bắc Kạn rất quan tâm và nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thông qua việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Qua đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, tính đặc thù của các sản phẩm đặc sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ và kích thích sản xuất phát triển. Những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tỉnh Bắc Kạn đã có 01 sáng chế, hơn 30 sản phẩm, dịch vụ hàng hóa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó có 02 sản phẩm nông sản đã được cấp và đón nhận văn bằng bảo hộ là Chỉ dẫn địa lý Hồng không hạt Bắc Kạn và Nhãn hiệu tập thể gạo Bao thai Chợ Đồn. Năm 2011, UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, phối hợp với các Viện nghiên cứu khoa học, trường Đại học tiếp tục xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn và nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn và nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn.
Logo miến dong Bắc Kạn |
Logo quýt Bắc Kạn |
Quýt Bắc Kạn là đặc sản của tỉnh, được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng: Quả có hình dạng tròn dẹt, vỏ màu vàng tươi, múi quả to, đều mọng nước, vị quả chua dịu, không the đắng, có hương thơm rất đặc trưng. Danh tiếng và chất lượng đặc thù của sản phẩm quýt Bắc Kạn gắn liền với khu vực thuộc địa phận các xã: Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong (Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Mỹ Phương, Chu Hương, Cao Trĩ, Yến Dương (Ba Bể).
Đối với miến dong Bắc Kạn, trước kia được sản xuất chủ yếu ở hai địa phương là Na Rỳ và Ba Bể, tới nay đã được phát triển mạnh mẽ tại tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Với kinh nghiệm chế biến truyền thống, miến được chế biến từ tinh bột dong nguyên chất, sợi miến khi ăn dai và có hương thơm đặc trưng của bột dong, sau khi nấu có thể để lâu mà không bị nhừ nát. Miến dong có thể ăn quanh năm, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn.
Đ/c Phạm Phi Anh – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn cho Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn; trao nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn cho Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn |
Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Phi Anh – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn cho Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn; trao nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Kạn cho Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn.
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe ý kiến tham luận của đồng chí: Phạm Phi Anh – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; Đỗ Tuấn Khiêm – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Nông Doanh Hiển – Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rỳ; Hoàng Thị Duyên – Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông; đại diện HTX Miến dong Côn Minh (huyện Na Rỳ), Công ty TNHH Hoàng Giang và nông dân trồng quýt xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông) về định hướng những nhiệm vụ để tiếp tục phát triển và giữ vững được thương hiệu quýt Bắc Kạn và miến dong Bắc Kạn trong thời gian tới.
Đ/c Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Mặc dù năm 2012 sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Bắc Kạn vẫn đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đặc biệt, năm 2012, quýt Bắc Kạn được nhận chỉ dẫn địa lý và miến dong Bắc Kạn được cấp nhãn hiệu tập thể đã góp phần xây dựng bức tranh nông nghiệp của tỉnh được trọn vẹn. Từ thành công bước đầu này, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tập trung hoàn thiện vùng quy hoạch sản xuất đối với dong riềng và quýt, riêng cây quýt sẽ lấy các địa phương Đôn Phong, Dương Phong và Quang Thuận (huyện Bạch Thông) là tâm điểm; áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng với đa dạng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Các đại biểu thăm gian hàng quýt |
Trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu đã cùng tham quan khu trưng bày sản phẩm quýt và dong riềng của 8 huyện, thị xã trong tỉnh.
Các đại biểu thăm gian hàng miến dong |
Sau buổi lễ, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ “Định hướng phát triển bền vững cây dong riềng, cây quýt tại Bắc Kạn” nhằm tìm giải pháp tiếp tục phát triển và giữ vững được thương hiệu quýt Bắc Kạn và miến dong Bắc Kạn trong thời gian tới./.