Gia đình chị Nông Thị Chinh thôn Thạch Nghõa 2 là một trong những hộ dân trồng chè lâu năm tại xã Mỹ Phương. Với 5000m2 diện tích đất đồi trồng chè, hàng năm gia đình chị phải thường xuyên đốn tỉa, cải tạo, chăm sóc cây chè đồng thời tích cực học hỏi kiến thức và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chè được tổ chức tại địa phương để áp dụng vào phát triển tại gia đình. Theo chị Chinh, thời gian cho thu hoạch chè kéo dài trong suốt cả năm từ tháng giêng đến tháng 10 tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao thì người trồng chè cần nắm rõ quy trình phát triển của cây chè và ứng dụng các phương pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo và nâng cao năng suất chất lượng của chè. Nhờ những kiến thức khá vững về chăm sóc phát triển đồi chè của gia đình mà mỗi năm gia đình chị cũng có một khoản thu nhập từ 25 – 30 triệu đồng .
Ảnh: Bà Nông Thị Chinh thôn Thạch Nghõa 2 xã Mỹ Phương thu hoạch chè
Ông Sằm Văn Kinh – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Trong những năm qua, cây chè được coi là một trong những cây trồng mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo của người dân xã Mỹ Phương. Hiện nay toàn xã có trên 530 ha chè được trồng rải khắp hầu hết các thôn bản trên địa bàn. Nếu như trước kia người dân chỉ trồng một loại giống chè Trung du lá nhỏ – giống chè truyền thống tại địa phương thì những năm trở lại đây người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các nhiều giống chè mới cho năng suất chất lượng cao hơn như chè NDP1, chè Nhật Bản, chè Bát Tiên, chè 777…
Bên cạnh đó, hàng năm từ những chương trình dự án phát triển nông lâm nghiệp, chương trình khuyến nông khuyến lâm được triển khai tại xã, chính quyền xã Mỹ Phương cũng đã nhạy bén trong việc tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phát triển loại cây trồng có thế mạnh này. Chỉ tính riêng năm 2013, toàn xã đã thực hiện trồng mới trên 1ha giống chè Bát Tiên và chè NDP1, cải tạo trên 36 ha chè già cỗi tại 5 thôn Pùng Chằm, Bóach Ve, Cốc Sâu và Thạch Nghõa 1, Thạch Nghõa 2. Năm 2014 này, từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo 30a của Chính Phủ, xã tiếp tục thực hiện cải tạo trên 40 ha nương chè già cỗi đồng thời đã trồng mới trên 32 vạn cây giống chè NDP1. Song song với đó, để đảm bảo quy trình trồng, chăm sóc và phát triển của cây chè, xã cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp học nghề trồng chè, tập huấn về sản xuất chè theo quy trình mới để người dân áp dụng thực hiện có hiệu quả vào phát triển kinh tế tại gia đình.
Bằng sự nỗ lực, chịu khó của người dân cùng sự tích cực, mạnh dạn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và phát triển thâm canh cây chè tại địa phương nên mỗi năm toàn xã cho thu hoạch từ 37 – 40 tấn chè khô/ năm. Điển hình có nhiều hộ gia đình trong xã cho thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/năm nhờ trồng chè. Hiệu quả kinh tế từ cây chè là rất thiết thực vì vậy nhiều hộ gia đình đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị để thu hoạch và chế biến chè theo hướng công nghiệp và sản xuất hàng hóa nhằm giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân lực và nâng cao hiệu quả chất lượng của sản phẩm chè đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Có thể khẳng định, phát triển thế mạnh cây chè đang là hướng đi đúng để người nông dân xã Mỹ Phương từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần vào ổn định và phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiêu thụ chè thương phẩm vẫn chỉ được người dân bán tại các chợ nhỏ lẻ tại địa phương hoặc giao buôn cho một số thương lái trong tỉnh với số lượng không lớn. Vì vậy để đưa cây chè phát triển bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân thì cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư cũng như sự hợp tác liên kết trong khâu tiêu thụ của các tổ chức, doanh nghiệp và các cấp các ngành địa phương trong và ngoài tỉnh.