Theo thông tư số 30/2014/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT, mục đích của việc thay đổi cách đánh giá học sinh chính là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ. Về phía học sinh, các em có thể phát huy được tinh thần tự học, sự tự tin, tự trọng, tự giải quyết vấn đề và tự chịu trách nhiệm của bản thân. Theo đó, việc nhận xét, đánh giá học sinh sẽ áp dụng ở 3 nhóm nội dung lớn gồm: đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh; đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh. Các nội dung đánh giá này sẽ được thực hiện ở 3 mức: đánh giá thường xuyên; đánh giá định kỳ kết quả học tập và tổng hợp đánh giá vào cuối mỗi kỳ và cuối năm học.
Ý kiến của phần lớn cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh tiểu học cho rằng, đổi mới cách đánh giá học sinh theo hình thức mới tuy còn bỡ ngỡ nhưng đây là một phương pháp có thể giảm bớt gánh nặng và áp lực về điểm số cho các em học sinh trong học tập đồng thời nâng cao chất lượng học tập của các em. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người giáo viên ở các trường tiểu học cần phải làm việc có trách nhiệm hơn, khách quan và định hướng đúng cho học sinh của mình.