Là một trong những gia đình nhiều năm gắn bó với cây chuối tây, chị Hoàng Thị Ương ở thôn Khuổi Luổm xã Yến Dương cho biết: Ở Yến Dương, nghề trồng chuối được truyền từ đời ông bà sang đến con cháu. Trồng chuối có nhiều lợi ích như: giữ độ ẩm cho đất, buồng chuối cho quả, hoa chuối để bán, còn thân chuối già chặt để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Nhận thấy việc trồng ngô trên đất nương dốc kém hiệu quả do đất bạc màu, tốn công chăm sóc, từ năm 2010, gia đình chị đã chuyển hơn 1 hecta đất đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chuối, với hơn 300 gốc. Với cây chuối, công chăm sóc không phải bỏ ra nhiều, một gốc chuối cho thu hoạch luân phiên 3-4 lần/năm, với giá bán trung bình từ 4.000 – 6.000 đồng/kg chuối quả. Trong một năm người trồng có thể thu hoạch khoảng 5 tấn chuối quả/ha, thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ảnh: Cây chuối tây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Yến Dương
Thôn Khuổi Luổm xã Yến Dương có 86 hộ, trong đó 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số. Để khai thác tiềm năng đất đai, lao động, trên 95 % hộ trong thôn đều phát triển trồng cây chuối tây với trên 40 ha. Nhờ phát triển trồng loại cây này mà năm 2014, thôn đã giảm được 5 hộ nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm xuống chỉ còn 4 hộ. Gia đình chị Triệu Thị Xuyến là một trong số các hộ đã chuyển toàn bộ diện tích đất đồi dốc sang trồng chuối tây. Với ưu điểm của giống cây trồng này là dễ thích nghi, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch sản phẩm quanh năm, nên chuối tây đã trở thành một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị. Nhờ tích cực đầu tư chăm sóc, mỗi năm gia đình chị thu nhập đạt trên 30 triệu đồng.
Với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương rất phù hợp, cây chuối tây được bà con nông dân trong xã đưa vào trồng từ nhiều năm nay trên đất đồi, đất ven sông suối. Mặc dù thời gian đầu còn manh mún, nhỏ lẻ. Những năm trở lại đây, khi thị trường xuất khẩu chuối quả trở nên sôi động, cây chuối tây đã được bà con nông dân trong xã chú trọng thâm canh mở rộng diện tích. Hiện nay xã Yến Dương có trên 40 ha chuối tây tập trung chủ yếu ở các thôn Khuổi Luổm, Lỏng Lứng, nà Giảo, Nà Nghè, Nà Viễn trong đó có khoảng trên 30 ha đã cho thu hoạch. Hiệu quả kinh tế từ cây chuối tây được khẳng định từ chỗ trồng quảng canh, nay các hộ đã đưa chuối tây vào trồng theo quy hoạch tập trung để dễ chăm sóc, thâm canh, và để trở thành nguồn hàng hóa cho thu nhập cao. Qua các chương trình, mô hình khuyến nông khuyến lâm được triển khai tại địa phương cũng đã giúp nông dân ứng dụng đưa nguồn giống chất lượng cũng như áp dụng các biện pháp chăm sóc khoa học để cây chuối tây đem lại hiệu quả cao hơn cho người dân. Bà Nông Thị Uyến – Phó chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Trong những năm qua cây chuối Tây thật sự là cây xoá đói giảm nghèo cho người dân xã Yến Dương , góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương xã Yến Dương việc trồng cây chuối Tây trên địa bàn xã vẫn còn nhỏ lẻ, người dân chủ yếu bán cho tư thương nên giá cả còn bấp bênh. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã đang tích cực tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này, đồng thời khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển theo hướng hàng hoá góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo cho gia đình và địa phương.